Đây là những sai lầm rất phổ biến, dễ gặp và dễ xảy ra khi viết bài. Thậm chí, có những cây viết tự nhận mình là nhà văn trẻ hoặc những người sống bằng nghề viết cũng thường xuyên mắc phải. Để phát hiện và khắc phục những sai lầm này không hề khó, quan trọng là người viết có chịu bỏ qua cái tôi để nhìn nhận và tiếp thu hay không.
Sai lầm số 01: Đặt tiêu đề bài viết quá rộng hoặc quá hẹp so với nội dung
Ví dụ bạn chuyên về mảng văn hóa, sếp giao cho đề tài về: tình yêu, bạn phải viết 1 bài với khoảng 1500 chữ, hoặc phóng sự trong khoảng 3p30s.
Bạn bắt đầu thực hiện một bài viết phân tích rất sâu sắc về chủ đề tình yêu trong hội họa, điêu khắc. Nhưng bạn lại lấy tiêu đề là: “chủ đề tình yêu trong các tác phẩm nghệ thuật.”
Tiêu đề này quá rộng so với nội dung của bạn. Bởi hội họa và điêu khắc chỉ là một phần rất nhỏ trong “các tác phẩm nghệ thuật”. Nếu bạn đã lấy tiêu đề là “tác tác phẩm nghệ thuật” thì bạn cần có sự phân tích đa chiều và đa dạng loại hình nghệ thuật hơn như: mỹ thuật, sân khấu, ca nhạc, văn học…
Bạn càng chọn được chủ đề sát với nội dung thì sẽ càng dễ triển khai và chạm đến cảm xúc của người đọc, người xem.
Sai lầm số 02: Bài viết không bám sát chủ đề
Đây cũng là một sai lầm mà rất nhiều người gặp phải. Nguyên do bởi các bạn thiếu kinh nghiệm trong việc triển khai vấn đề. Hoặc do bạn thiếu kỹ năng xử lý thông tin, dẫn đến việc bạn thu nhận được bao nhiêu thông tin, bạn cho hết vào bài bấy nhiêu. Đây là lỗi mà nhiều phóng viên trẻ cũng hay gặp phải.
Sai lầm số 03: Nội dung bài viết thiếu tính logic
Đang từ ý nọ nhảy sang ý kia. Đây là tình trạng mà những bạn ít kinh nghiệm khi viết sẽ gặp phải. Dạng bài này, thoạt nhìn tưởng là viết rất hay. Bởi nếu tách từng câu riêng lẻ, đó sẽ là những câu viết tốt. Nhưng nếu ghép chúng lại với nhau, sẽ tạo thành một “nồi cám lợn”. Dưới đây là một ví dụ:
Bài gốc: Nếu có điều gì không tốt đẹp đã xảy ra trong quá khứ, những ấn tượng đó tạo ra những suy nghĩ nghi ngờ và lo lắng trong hiện tại. Đa phần chúng ta lan tỏa năng lượng tiêu cực và căng thẳng này vào nhiệm vụ đang làm một cách vô thức. Cụ thể khi nhắc đến một người thường gây trở ngại cho bạn, chỉ nghe thấy tên của họ thoáng qua thôi, trong tâm trí bạn đã hiện ra tất cả những hành động lời nói họ đã làm với bạn ngay cả khi bây giờ họ không còn như vậy… bạn luôn chú tâm đến những điều đã xảy ra hơn là sự thật ở hiện tại.
Bài sửa:
Thông thường, chúng ta hay mắc phải một sai lầm: đó là lẫn lộn giữa cảm giác của hiện tại và quá khứ. Giả dụ như trong quá khứ, có một điều gì đó đã xảy ra với bạn, và mang đến cho bạn những cảm xúc không tốt. Mặc dù hiện tại điều đó không xảy ra nữa, nhưng trong bạn, thứ cảm xúc đầy bất an đó vẫn còn vẹn nguyên mỗi khi nhớ đến. Ví dụ như khi nhắc đến một người thường gây trở ngại cho bạn, chỉ nghe thấy tên của họ thôi, trong tâm trí bạn sẽ hiện ra tất cả những hành động, lời nói họ đã làm với bạn trong quá khứ. Ngay cả khi bây giờ họ không còn đối với bạn như vậy nữa, nhưng bạn thì vẫn luôn giữ nguyên cảm xúc với họ như ngày hôm qua… Bạn luôn chú tâm đến những điều đã xảy ra hơn là sự thật ở hiện tại.
Sai lầm số 04: Viết bài quá tham ý
Lỗi này cũng thường gặp phải, nhưng người viết lại ít khi nhận ra. Bởi tâm lý của người viết thường cảm thấy không đủ, thường “tham” giữ các ý trong một bài. Đây là điều dễ hiểu, bản thân Nga cũng đã từng nhiều lần gặp phải tình trạng này. Đặc biệt khi sản xuất phóng sự, phần nào mình cũng cảm thấy hay và ý nghĩa. Nên mỗi lần phải ngồi gọt giũa lại kịch bản thật sự là một lần đấu tranh rất lớn. Nga thường hay ví von rằng “mỗi tác phẩm nghệ thuật đều là một đứa con tinh thần của mình. Việc phải cắt bỏ một phần nào đó, thật sự rất đau đớn và khó khăn”. Tuy nhiên, sau mỗi lần lược bỏ những ý trùng lặp hoặc thực sự không cần thiết, Nga đều thấy bài viết của mình gọn gàng, mạch lạc và dễ chịu hơn.
Sai lầm số 05: Quá tham ý trong một câu, dẫn đến câu quá dài.
Lỗi này cực kỳ phổ biến đối với những bạn viết dạng tản văn, tâm sự…Các bạn nghĩ rằng viết theo mạch cảm xúc nên cứ viết thêm ý nọ ý kia vào mới đủ. Đó là một sai lầm. Bởi nó khiến ý của bạn chị thiếu sự mạch lạc. Thậm chí còn khiến người đọc, người nghe, người xem quên mất ý ban đầu mà chỉ nhớ đến ý cuối cùng bạn đề cập đến.
Tôi xin phép lấy trích đoạn 1 bài viết trên 1 trang khá nổi tiếng, đó là BlogRadio:
Bài gốc: “Tôi biết rằng dù tôi có thảm hại thế nào anh cũng sẽ không quay trở lại nên tôi đã buông lỏng bản thân mình trong một tuần trút hết những cảm xúc tiêu cực để có thể đứng dậy tiếp tục cuộc sống mới. Trong một tuần bất lực ấy, bao nhiêu bia rượu tôi uống không quên rót tiếp ly nào và cho đến ngày cuối cùng, một người bạn thân đã đến nhà tôi ôm lấy tôi ép buộc tôi phải học cách quên đi anh ta nếu không cậu ấy không còn làm bạn của tôi nữa. Vực dậy sau chuỗi ngày bi thảm, tôi đã viết cho mình cuốn nhật ký đếm những ngày học cách quên đi anh.”
Nhận xét: Cả một đoạn văn dài như thế này, vỏn vẹn chỉ có 3 dấu chấm ngắt câu. Ngay từ câu đầu tiên, không có nổi 1 dấu phẩy ngắt ý. Ở đây nó không đơn thuần là một dấu câu về chính tả, nó là sự ngắt ý về nội dung. Do đó, đừng đổ lỗi là quên chính tả, các bạn nhé! Tôi sẽ biên tập lại một xíu, các bạn đọc thử xem ý nó có mạch lạc và “dễ thở” hơn không nhé.
Sửa lại:
“Tôi biết rằng: dù tôi có thảm hại thế nào, anh cũng sẽ không quay trở lại. Vì thế, tôi đã buông lỏng bản thân mình trong một tuần và trút hết những cảm xúc tiêu cực, để có thể đứng dậy tiếp tục cuộc sống mới. Trong một tuần bất lực ấy, tôi đã uống và uống đến khi say mèm. Tôi cũng không nhớ mình đã uống bao nhiêu ly nữa. Chỉ đến khi, một người bạn thân của tôi xuất hiện, chuỗi ngày thảm hại đó của tôi mới dừng lại. Cậu ấy đến và ôm lấy tôi, ép tôi phải học cách quên đi tình yêu này, nếu không cậu ấy sẽ không làm bạn với tôi nữa. Thức dậy sau chuỗi ngày bi thảm đó, tôi đã viết cho mình cuốn nhật ký: “đếm những ngày học cách quên đi anh.”
Sai lầm số 06: Lạm dụng quá nhiều các tính từ mang ý bao quát rộng, dẫn đến khó triển khai bài viết.
Ví dụ như thay vì miêu tả núi non hùng vĩ một cách đơn thuần, các bạn có thể ví von “những dãy núi trải dài giống như sống lưng của những chú khủng long”. Hoặc thay vì viết rằng “hàng chất lượng cao”, bạn hay miêu tả cụ thể những cảm nhận khi sử dụng nó bằng các giác quan. Như vậy sẽ kích thích sự tưởng tượng của người đọc, khiến họ cảm nhận được thông điệp bạn muốn truyền tải một cách rõ ràng hơn.
Sai lầm số 07: Sắp xếp câu cú lộn xộn, dẫn đến tối nghĩa
Nói đến ý này, tôi thật sự phải mong nhiều bạn trẻ hãy nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề hành văn của mình. Có nhiều bạn, thường đảo ngược thứ tự, vị trí các thành phần trong câu với mong muốn mang lại cảm xúc mạnh hơn. Tuy nhiên, để làm được điều đó, ít nhất bạn phải nắm chắc kỹ năng căn bản đã. Hơn nữa, bản thân bạn phải đủ tinh tế để sử dụng đúng nơi, đúng chỗ, tránh bị tác dụng ngược.
Và đây là một ví dụ:
Bài gốc: Chẳng có lý do nào đáng thuyết phục để phải quên đi quá khứ. Quá khứ không phải là thứ để quên đi.
Bạn càng quên nghĩa là càng bị chi phối bởi nó cho hiện tại… chắc chắn.
Vậy làm thế nào để refesh lại quá khứ nếu đó là điều khiến bạn đang khổ sở bây giờ? Một cách hiệu quả và an toàn?
Bài sửa:
Chẳng có lý do nào đáng thuyết phục để phải quên đi quá khứ. Quá khứ không phải là thứ để quên đi.
Bạn càng quên nghĩa là chắc chắn bạn càng bị nó chi phối cho đến thời điểm hiện tại.
Vậy làm thế nào để refesh lại quá khứ một cách hiệu quả và an toàn? Nếu đó là điều đang khiến bạn khổ sở bây giờ?
Trên đây là những sai lầm thường gặp khi viết bài, cũng như một số bài văn mắc lỗi diễn đạt và đã được Nga biên tập lại. Đây là những lỗi tuy rất nhỏ, nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng bài viết. Nga hy vọng rằng sau khi đọc xong bài viết này của Nga, các bạn sẽ soát lại chính bài viết của mình, để xem mình có mắc phải lỗi nào không nhé! Nếu có, các bạn hãy biên tập lại để bài viết của mình hoàn hảo hơn nha!
Bạn nào không biết biên tập sao cho hợp lý, có thể bình luận bên dưới bài viết này, mình sẽ hỗ trợ bạn một vài đoạn mẫu để bạn có thể tự biên tập bài của chính mình cho những lần sau.
Chúc các bạn thành công!
Hocvietcungnga.com