Thời gian gần đây chúng ta dễ dàng bắt gặp những thuật ngữ như “storytelling” ở bất cứ đâu. Ai ai cũng chia sẻ về storytelling giống kiểu như một thứ gì đó rất cao siêu, rất đỉnh cao trong viết lách. Nhưng trên thực tế, nó có thực sự cao siêu và khó viết như các bạn đang nghĩ? Hãy cùng Học viết cùng Nga khám phá trong bài viết dưới đây nhé!
Khái niệm storytelling
Bỏ qua những khái niệm sáo rỗng, bỏ qua những thuật ngữ chuyên ngành và thủ thuật “nghe có vẻ cao siêu” mà ngoài kia đang rêu rao, chúng ta sẽ tiếp cận dưới góc độ thẳng thắn và trực diện khái niệm Storytelling chỉ đơn giản là kể chuyện. Vâng, bạn không nhầm đâu ạ, nó chỉ đơn giản là kể chuyện thôi có gì đâu mà thần thánh hoá mọi thứ lên vậy nhỉ?
Làm sao để viết storytelling?
Trước khi tìm hiểu cách viết storytelling, bạn hãy dừng lại vài giây, ngẫm kỹ mấy câu hỏi sau đây của Nga nhé:
- Bạn đã từng đọc truyện cổ tích, truyện ma….bao giờ chưa?
- Bạn đã bao giờ kể chuyện cho người khác nghe chưa? Bất kể là chuyện gì, từ chuyện đi ra đường xe bị thủng xăm, đến chuyện hôm nay bạn ăn gì, uống gì …Bạn đã bao giờ kể chuyện cho ai nghe chưa?
- Theo bạn, 2 dạng trên có được tính là storytelling không?
OK, sao rồi nhỉ? Bạn đã ngẫm kỹ 3 câu hỏi kia chưa? Câu trả lời của bạn là gì? Chính nó đấy. Kể chuyện là khả năng có sẵn bên trong mỗi chúng ta rồi, bạn chẳng cần phải học nó để làm gì cả. Cái bạn cần học là cách xắp xếp nội dung và lựa chọn thông tin để kể, chỉ thế thôi.
Cách viết storytelling siêu dễ
Đây là 1 kênh Nga mới viết kịch bản cho họ, các bạn có thể vào xem thử sẽ thấy: 85% kịch bản đều là storytelling Link Kênh TIKTOK: https://www.tiktok.com/@masterphone91a
Để viết được những kịch bản này, Nga đã áp dụng đúng 1 tips duy nhất. Đó là đẩy mọi câu chuyện về “THÌ QUÁ KHỨ”. Các bạn cứ ngẫm thử xem, muốn kể chuyện thì bắt buộc phải có câu chuyện. Nhưng làm sao để có câu chuyện? Thì chỉ có cách là nó đã xảy ra rồi, bạn mới có câu chuyện để kể, đúng không nào?
Vậy nên Nga đã luôn bắt đầu bằng các trạng từ chỉ thời gian, địa điểm
- Hôm qua, tại Master Phone nhà tôi…
- Sáng nay tôi gặp…..
- Hôm nọ có bạn khách….
- Mấy hôm trước…
- Dạo này tôi rất hay gặp….
- Gần đây có bạn nhắn tin hỏi tôi
- Tôi mới nhận được một gói hàng gửi đến 91A Nguyễn Khang….
- Có những lúc tôi chợt nghĩ…
Đây chính là những cách mở đầu câu chuyện mà các bạn vẫn hay kể với người thân bạn bè, đúng không nào? Ví dụ bạn muốn kể chuyện mới bị sếp mắng. Thì bạn sẽ thường mở đầu kiểu: Sáng nay tao vừa bị sếp mắng hoặc Tao mới bị sếp mắng vì…
Tất cả mọi thứ đều được kể ở THÌ QUÁ KHỨ đúng không nào? Có nhiều bạn sẽ nói trong Tiếng Việt không chia thì như Tiếng Anh, như vậy thì các bạn sai rồi. Tiếng Việt chúng ta có 3 thì cơ bản: Hiện tại – Quá Khứ – Tương Lai. Trong đó có 1 thì phụ của thì hiện tại nữa, đó là hiện tại tiếp diễn để chỉ các hành động đang diễn ra ngay tại thời điểm nói.
Văn phong storytelling
Đối với storytelling thì bạn nên sử dụng những ngôn từ gần gũi, đời thường. Văn phong thì bạn nên sử dụng văn nói, không nên quá cầu kỳ vào tiêu chuẩn về câu cú và ngữ pháp, miễn sao diễn đạt đúng thông điệp, ngắn gọn, xúc tích dễ hiểu là được.
Cấu trúc kịch bản storytelling Nga hay sử dụng
Nói là cấu trúc thì nghe nó phức tạp, chứ thực ra nó chỉ đơn giản là “cách kể chuyện” mà Nga đã và đang áp dụng với hầu hết các vài viết, kịch bản storytelling của mình. Nga chia sẻ để các bạn tham khảo, các bạn hoàn toàn có thể áp dụng cấu trúc này hoặc tự sáng tạo ra những cấu trúc khác của chính mình.
1- Đề cập vấn đề: Mở đầu storytelling bằng các trạng từ chỉ thời gian, địa điểm diễn ra trong quá khứ
- Năm xưa tôi có 1 cô bạn rất thân….
- Hồi học cấp 3 tôi có quen 1 bạn…
- Gần đây tôi thấy có nhiều bạn….
- Tôi có quen 1 bạn…..
- Hôm qua lúc đi ăn sáng ở quán…
- Tôi mới nhận được 1….
- Hôm nọ có bạn khách/sinh viên/thực tập sinh….
- Tôi nhớ mãi lần đầu tiên …..
- vv….vv
Ví dụ: Năm xưa, tôi có một cô bạn cùng lớp rất “đáng thương” khiến cho tôi nhớ mãi.
2 – Triển khai vấn đề
Cô bạn ấy của tôi có một “khuyết điểm” nho nhỏ ở cơ thể. Đó là một “cái gù” giống như cái gù của tể tướng Lưu Gù. Ngược lại với ngoại hình có phần “xấu xí”, cô ấy lại có một cái tên rất đẹp. Cái tên mang ý nghĩa là một viên ngọc sáng. Tôi nghĩ rằng khi sinh ra cô ấy, ba mẹ cô ấy đã từng kỳ vọng: con gái của mình sẽ xinh đẹp và toả sáng như cái tên của cô ấy: Ngọc Minh. Nhưng cũng chính vì cái tên quá đẹp, nó đã khiến cô ấy tổn thương rất nhiều lần.
Có lẽ cũng muốn bù đắp cho khiếm khuyết của con mình, bố mẹ cô ấy đã mua sắm cho cô ấy rất nhiều quần áo đẹp. Cô ấy lúc nào cũng ăn mặc vô cùng lộng lẫy, như một nàng công chúa. Và thật may mắn, nhờ có những bộ quần áo đẹp đó, cả một quãng tuổi thơ, cô ấy đã luôn thấy rằng: mình thật xinh đẹp.
3 – Cao trào
Cho đến khi lên cấp 2, cuộc đời cô ấy đã bắt đầu thay đổi. Tôi nhớ như in, đó là tiết học của môn sinh học. Cô giáo của chúng tôi là cô Sáng. Năm đó cô Sáng khoảng chừng hơn 50 tuổi, siêu siêu khó tính, ghê gớm và chua ngoa. Hôm đó cô Sáng bước vào lớp tôi với một khuôn mặt cau có không rõ lý do. Cô thả mình ngồi trên chiếc ghế giáo viên và phán: Cả lớp kiểm tra bài cũ!
Nghe đến đây, cả lớp tôi đang xôn xao bỗng im phăng phắc. Đứa nào cũng cố nín thở để tránh thu hút sự chú ý của cô. Cô Sáng lặng lẽ dùng ngón tay trỏ kéo cặp kính lão xuống dưới sống mũi và liếc nhìn cả lớp tôi một lượt. Ánh mắt cô quét đến đâu là góc đó rúm lại ngay. Thấy vậy, cô ngừng nhìn và bắt đầu mở sổ.
– Tôi sẽ gọi ngẫu nhiên nhé! Để xem nào! Cái tên nào đẹp nhất tôi sẽ gọi.
Nghe đến đây chúng tôi lại càng run hơn. Bởi không biết ai sẽ là người bị cô xướng tên lên trả bài. Mặc dù kiểm tra bài cũ là phần không thể thiếu của bất kỳ học sinh nào. Nhưng không hiểu sao mỗi lần nghe đến tên của mình, đứa nào đứa nấy mặt cắt không còn giọt máu.
– Nguyễn Thị Ngọc Minh! Ai là Nguyễn Thị Ngọc Minh?
– Dạ em ạ!
Ngọc Minh trả lời và lục tục cầm vở lên trả bài. Cả lớp tôi đổ dồn ánh mắt về phía Ngọc Minh. Khi cô bạn tôi bước lên đến nơi, cô Sáng bắt đầu liếc nhìn một lượt từ trên xuống dưới với ánh mắt dò xét.
– Em là Ngọc Minh hả?
Ngọc Minh hồn nhiên, mỉm cười: Dạ vâng ạ!
– Cô Sáng bĩu môi, thản nhiên nói: Tên thì đẹp như công chúa mà người thì xấu như ma.
Cả lớp tôi bật cười trước câu nói của cô. Thấy vậy cô cũng bật cười.
Dường như cô cảm thấy mình có phần thô lỗ, nên vội cười và chữa cháy bằng một câu nói không thể “tệ hơn”:
– Tôi nghe tên Ngọc Minh tôi cứ nghĩ là phải lấp lánh lắm…
Được thể, cả lớp tôi càng cười to hơn. Còn Ngọc Minh thì im lặng cúi đầu.
Cũng kể từ sau ngày hôm đó, Ngọc Minh thường xuyên trở thành nhân vật bị trêu chọc của mấy thành phần cá biệt trong lớp tôi. Cứ mỗi lần cô ấy bị gọi tên, chúng sẽ ở dưới hú hét, cười đùa, giễu cợt. Thậm chí ngay cả khi ra chơi, bọn họ cũng không để cô ấy yên. Họ thường trêu đùa, giật tóc, chế giễu để khiến cô ấy tức giận. Kinh khủng nhất là chúng thường lén bỏ vào cặp sách của cô ấy rất nhiều con vật kỳ dị: khi thì là một con rắn nước, khi thì là một con chuột….Và kể từ đó, nụ cười hồn nhiên, ánh mắt lấp lánh đầy hạnh phúc của cô bé Ngọc Minh năm nào đã không còn. Thay vào đó là sự né tránh, thu mình lại và ánh mắt sợ hãi xen chút hờn trách mỗi khi bước vào lớp.
4 – Plot twist
Điều đáng buồn là với sự hiểu biết non nớt của những đứa trẻ, chúng tôi không hề nhận ra rằng: Ngọc Minh đã và đang phải chịu tình trạng bạo lực học đường nặng nề về mặt tinh thần như thế nào.
Thời gian dần trôi qua, tôi cũng bị cuốn theo những bài vở, những kỳ thi học sinh giỏi nối tiếp nhau. Tôi chẳng có đủ thời gian để bận tâm đến quá nhiều thứ xung quanh. Cho đến một ngày, cô bạn ngồi cạnh kể cho tôi nghe câu chuyện: Ngọc Minh đã vùng lên như thế nào. Đó là một ngày, sau rất nhiều ấm ức chất chứa, Ngọc Minh đã thẳng thắn hẹn gặp tên đầu sỏ chuyên trêu chọc, quậy phá cô ấy và hỏi hắn: “Tôi đã làm gì sai? Tại sao trước kia bạn vẫn nói chuyện với tôi bình thường, nhưng bây giờ bạn lại đối xử như thế với tôi?”
Chúng tôi không biết chính xác cuộc hội thoại đã diễn ra như thế nào, nhưng chúng tôi hiểu rằng có lẽ mình cũng có một phần “trách nhiệm” vì đã quá vô tâm với chính một người bạn trong lớp mình. Kể từ đó, không ai bảo ai, hầu hết con gái lớp tôi bắt đầu lên tiếng bảo vệ Ngọc Minh. Bất cứ khi nào những lời trêu chọc bắt đầu nhen nhóm, chúng tôi sẽ tìm mọi cách để dập tắt nó. Và nếu các bạn đã trải qua độ tuổi cấp 2, chắc các bạn sẽ hiểu nếu con gái lớp bạn mà muốn vùng lên, thì cho dù đó là ai đi chăng nữa, kẻ đó cũng phải khuất phục.
Nhờ có sự tỉnh thức đúng lúc của chúng tôi, những năm tháng cuối cấp 2 của Ngọc Minh cũng trở nên dễ dàng hơn đôi chút. Thế rồi, chúng tôi cũng kết thúc những năm tháng học trò tươi đẹp. Lên cấp 3 chúng tôi không còn học chung với nhau nữa. Đứa vào trường chuyên, lớp chọn, đứa chuyển đi theo gia đình…Tất cả đều mải mê với những chân trời mới.
5 – Kết luận
Sau này, tôi chỉ nghe phong thanh rằng năm đó sau khi Ngọc Minh học hết cấp 3, cô ấy đã vội vã lấy chồng. Khi có người đến hỏi cưới, bố mẹ cô ấy đã đồng ý ngay lập tức. Họ sợ rằng cô ấy sẽ không có ai dám yêu thương. Kể từ sau đó, tôi không nghe gì về Ngọc Minh nữa.
Mãi cho đến cách đây 3 năm, khi facebook đã bắt đầu trở nên phổ biến hơn. Tôi mới vô tình kết nối lại được với những người bạn cũ. Trong đó có Ngọc Minh. Khi nhìn thấy những hình ảnh hiện tại của cô ấy, tôi cảm thấy rất an lòng. Một Ngọc Minh tràn đầy niềm vui, đôi mắt lấp lánh giống cô bé Ngọc Minh năm nào. Có lẽ, sau bao nhiêu vụn vỡ thời thơ ấu, cô ấy đã thực sự tìm được hạnh phúc của đời mình, tìm được năng lượng sống của chính mình để trở nên tự tin và mạnh mẽ. Tôi thầm cầu chúc cho nụ cười và ánh mắt đó, sẽ lấp lánh mãi nơi bạn tôi. Bởi ai sinh ra cũng xứng đáng được hạnh phúc và yêu thương.
Vừa rồi là 1 vài chia sẻ của Nga trong việc viết storytelling, Nga sẽ tiếp tục ra những bài viết sâu hơn về dạng bài này trong thời gian tới. Mọi người nhớ vào website của Nga để cập nhật những bài viết mới nhất nhé!