Xin chào cả nhà, vậy là Nga đã chính thức kết thúc đợt làm phim truyền hình với đài NHK – Nhật Bản. Đáng lẽ ra Nga đã phải lên ngay bài viết này, nhưng do sức khoẻ sau khi chinh chiến 1 tháng trời ròng rã khiến mình không ổn, cộng với việc phải giải quyết những công việc tồn đọng trong suốt 1 tháng qua, do đó mình đã om bài viết này khá lâu, nay mới thực hiện được.
Mình bắt đầu làm phim từ cuối năm 2012 đến hết tháng 3 năm 2016 mình quyết định dừng lại và trở về đúng chuyên ngành được đào tạo là “báo chí truyền hình”. Cũng kể từ đó, mình gần như không tham gia bất cứ đoàn phim nào, cho dù vẫn nhận được khá nhiều lời mời bởi mình cảm thấy công việc này không còn phù hợp với tình hình hiện tại của mình. Do đó, bộ phim truyền hình với Đài NHK này là bộ phim đầu tiên mình quay trở lại sau 7 năm biến mất :)). Ban đầu mình nghĩ rằng khi tham gia với một đoàn phim có yếu tố giao thoa văn hoá, chắc hẳn sẽ rất vui vẻ. Tuy nhiên….đời không như là mơ…
1 tuần làm việc đầu tiên trôi qua thật nặng nề. Mỗi buổi sáng thức dậy là 1 ngày đầy áp lực không chỉ đối với mình mà với rất rất nhiều bộ phận trong ekip. Vậy tại sao mình lại có sự áp lực này, có phải do mình đã quên kiến thức ???
Những khó khăn bước đầu trong việc sản xuất phim truyền hình hợp tác Việt – Nhật
Quả thật mỗi khi nhớ lại những ngày đầu làm việc cùng nhau, Nga vẫn nhớ y nguyên cái cảm giác áp lực đó. Tất cả đến từ sự khác biệt về ngôn ngữ, khác biệt về văn hoá, khác biệt về phong cách làm việc, ekip Việt Nam và Nhật Bản đã có những ngày đầu làm việc “căng thẳng”. Đã có những giọt nước mắt, đã có những cuộc khẩu chiến và đã có cả những sự tức giận diễn ra trong những ngày đầu làm việc
Nhiều bạn sẽ thắc mắc rằng nếu đã làm phim truyền hình thì quy trình ở đâu cũng giống nhau đúng không ạ? Vậy thì tại sao lại có sự “căng thẳng” này?
Sự căng thẳng trong quá trình làm phim truyền hình Việt Nhật đến từ đâu?
Điều đầu tiên chính là đến từ bất đồng ngôn ngữ.
Để Nga chia sẻ rõ hơn về sơ đồ ekip làm việc thì các bạn sẽ hiểu nhé. Ekip của đoàn phim truyền hình bao gồm 2 ekip song song Việt Nam – Nhật Bản. Tất cả các bộ phận đều có song song Việt Nam và Nhật Bản, trừ đạo diễn thì chỉ có đạo diễn Nhật Bản, còn lại tất cả các tổ khác bao gồm: TCSX, tổ đạo diễn, tổ quay, tổ ánh sáng, tổ phục trang hoá trang, tổ đạo cụ, tổ bối cảnh….đều có song song Việt Nam – Nhật Bản.
Đây là sơ đồ sơ bộ các vị trí (chưa đầy đủ ) các thành viên ekip phía Việt Nam
Vì đây là bộ phim truyền hình Hợp tác giữa Bộ Ngoại Giao của 2 quốc gia, cho nên nội dung sẽ nói về câu chuyện của 2 quốc gia. Diễn viên, bối cảnh và câu chuyện sẽ diễn ra song song giữa Việt Nam và Nhật Bản. Ekip Việt Nam sẽ phụ trách những vấn đề ở phía Việt Nam: ví dụ diễn viên Việt Nam sẽ do make up và phục trang Việt Nam phụ trách, đạo cụ phía Việt Nam do Việt Nam phụ trách…Tuy nhiên, trên thực tế, 2 bên sẽ hỗ trợ nhau khi cần thiết.
Và mỗi tổ sẽ có 1 phiên dịch đi cùng để hỗ trợ giao tiếp giữa các thành viên. Tuy nhiên, có một thực tế rằng: không phải phiên dịch nào cũng hiểu hết được ngôn ngữ chuyên ngành của lĩnh vực điện ảnh. Do đó, người phiên dịch sẽ rất dễ phiên dịch sai thông điệp. Thứ 2 là có rất nhiều phiên dịch vì quá ham công việc, dẫn đến vượt quá phạm vi công việc của mình. Mà hậu quả của việc vượt quá phạm vi và chức năng trong một đoàn phim nó cực kỳ nguy hiểm các bạn ạ. Nga ví dụ đơn giản cho các bạn hiểu nhé.
Ví dụ ở tổ đạo diễn của mình có 1 bạn phiên dịch hỗ trợ, bạn ấy thường xuyên nhảy vào điều phối trực tiếp diễn viên quần chúng. Trong khi trên thực tế, nhiệm vụ của bạn ấy chỉ là dịch lại lời của đạo diễn hoặc phó đạo diễn người Nhật để phó đạo diễn phía Việt Nam hiểu ý đồ của họ và chủ động điều phối diễn viên quần chúng. Nhưng bạn ấy không nhận thức được điều đó và thường xuyên tự ý “tranh việc” của phó đạo diễn Việt Nam dẫn đến hệ quả sai zacco. Trong phim truyện và điện ảnh, zacco là một thứ cực kỳ quan trọng, nhưng các bạn không có kiến thức, các bạn không hiểu bản chất vấn đề, các bạn tự ý hành động, rất đến hệ quả cả đoàn phải thực hiện ghi hình lại những cảnh điều phối sai đó. Vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho vấn đề này?
Nhưng khi tổ đạo diễn phía Việt Nam mình góp ý lại với bạn ấy thì bạn ấy lại cho rằng phía Việt Nam gây khó dễ và ức hiếp bạn ấy. Nhưng trên thực tế, chúng mình chỉ muốn bạn ấy hãy làm tốt công việc của mình thôi và đừng để sự “nhiệt tình quá đà” của bạn ấy làm ảnh hưởng đến chất lượng cũng như tiến độ ghi hình của bộ phim. Chỉ thế thôi. Thế nhưng với sự tự ái cá nhân quá lớn, bạn ấy cho rằng bạn ấy đúng và ekip Việt Nam đã sai. Đến khi ekip Việt Nam chúng mình sau khi không thể giải thích cho bạn ấy hiểu, đã có lúc định sẽ dùng biện pháp mạnh đó là phản hồi để thay đổi phiên dịch. Tuy nhiên, sau tất cả chúng mình đã tự tìm được cách giải quyết mà không đẩy ai đến bước đường cùng, đó là chủ động trao đổi với các bộ phận của ekip Nhật Bản bằng tất cả những cách khác như: tiếng Anh, ngôn ngữ hình thể, Google translate…Thật may mắn, sau tất cả mọi thứ đã bắt đầu đi vào quỹ đạo.
Nhưng nói gì thì nói, để có được sự thành công của bộ phim là nhờ có 1 phần đóng góp rất lớn đến từ các phiên dịch viên. Và chúng mình thực sự rất biết ơn các bạn vì đã nỗ lực hết mình để giúp cho các thành viên của đoàn hiểu nhau nhiều hơn.
Những sự khác biệt giữa cách làm phim truyền hình của người Nhật Bản so với người Việt Nam
Thực ra nếu chỉ lấy 1 ekip này mà quy chụp rằng đó là cách làm film của toàn bộ người Nhật thì không đúng. Tuy nhiên, qua chính những cuộc trò chuyện với các thành viên người Nhật, mà Nga hiểu rằng đó chính là cách làm phim phổ biến của nước họ.
Khác biệt về cách xây dựng nội dung kịch bản phim truyền hình
Đa phần kịch bản phim/điện ảnh của Việt Nam hiện nay, theo quan sát và nhận định của mình, thường có 1 vấn đề: xây dựng tuyến nhân vật chính không rõ ràng. Nếu để ý các bạn sẽ thấy, rất nhiều bộ phim gần đây người xem ấn tượng với nhân vật phụ hơn là nhân vật chính. Nhân vật phụ là yếu tố viral, thu hút sự chú ý và quan tâm của người xem nhiều hơn nhân vật chính. Mà rõ ràng nhân vật chính diễn xuất cũng tốt chứ không hề kém cạnh nhân vật phụ? Vậy nguyên nhân do đâu?
Trong kịch bản lần này của Nhật Bản, Nga nhận thấy họ vẽ màu sắc cá tính cho tuyến nhân vật chính rất rõ nét. Đất diễn của nhân vật chính vô cùng rộng, rất nhiều lớp nội tâm nhân vật được khai thác triệt để. Toàn bộ câu chuyện của nhân vật phụ đều bám sát vào thông điệp chính và có tác động đến câu chuyện của nhân vật chính, chứ không phải xuất hiện chỉ để hút view hay tạo hiệu ứng giải trí như phim Việt hiện nay.
Lời thoại ít nhưng chất lượng, luôn có khoảng lặng để khai thác chiều sâu nội tâm nhân vật.
Kịch bản phim truyền hình lần này của Nhật phần thoại khá ít, nhưng câu nào cũng chất lượng, không màu mè, không dài dòng. Nga rất thắc mắc là ngoài đời người Nhật họ thường nói rất dài dòng, văn vở.
Ví dụ họ muốn mình lấy giúp 1 đồ vật gì đó, thay vì nói luôn là: Nga, mày lấy cho tao cái bút kia với
Thì họ sẽ trình bày khá dài: Nga, mày có đang bận gì không? Không biết là tao có làm phiền mày không, nếu không phiền thì mày có thể lấy giúp tao cái bút kia không?…
Đấy, đại loại là họ sẽ rào trước đón sau như thế đó các bạn. Thế nhưng trong kịch bản thì không vậy. Rất ngắn gọn xúc tích.
Khác biệt về hình thức kịch bản phim truyền hình Nhật Bản – Việt Nam:
Mỗi thành viên ekip Nhật Bản đều được phát 1 kịch bản phân cảnh rất chi tiết, nhưng phía Việt Nam thì không. Trong cuốn kịch bản đó họ chia cảnh rất chi tiết cho từng phân đoạn. Mỗi một cảnh họ sẽ gọi là CUT.
Ví dụ: SCENE 01. CUT 1 – Dolly toàn cảnh phòng hoà nhạc
Nội dung: Từ nốt nhạc thứ 1 đến nốt nhạc thứ 5
CUT 2: Toàn cảnh hẹp phòng hoà nhạc – fix máy
Nội dung: từ nốt nhạc thứ 1 đến nốt nhạc thứ 10
Còn ở Việt Nam mình nếu chi tiết như vậy sẽ có storyboard. Muốn biết storyboard là gì, các bạn đọc thêm TẠI ĐÂY chứ không chia theo CUT như vậy.
Khác biệt trong việc tổ chức sản xuất phim truyền hình
Đây là một khác biệt rõ rệt nhất. Và qua đó Nga thấy khâu tổ chức sản xuất của Việt Nam mình thật sự tiến bộ các bạn ạ. Mình không rõ có phải vì kinh phí của Việt Nam thường hạn hẹp hơn nên chúng ta thường phải nghiên cứu cách tổ chức sản xuất sao cho đảm bảo các yếu tố: hiệu quả – tiết kiệm – chất lượng hay không? Nhưng theo đánh giá của mình, Việt Nam thật sự quá thông minh khi áp dụng cách thức tổ chức sản xuất khoa học như vậy. Và theo mình tìm hiểu thì trên thế giới họ cũng đã và đang áp dụng cách thức sản xuất như Việt Nam chúng ta. Còn lối sản xuất của các bạn Nhật Bản hơi truyền thống và đã khá “lạc hậu. Vậy cụ thể nó khác biệt như thế nào, bài viết này cũng khá dài rồi, Nga sẽ giải thích rõ hơn trong bài viết phần 2 để các bạn hiểu rõ hơn nhé.
Nhớ ghé thăm website của Nga thường xuyên, để cập nhật các bài viết mới nhất bạn nhé!
—————————————————————————
Học viết cùng Nga – để trở thành biên tập viên chuyên nghiệp
Email: hocvietcungnga@gmail.com
Youtube: Học viết cùng Nga
Website: hocvietcungnga.com